Thường thường, người cư sĩ sống
tại gia có nhiều duyên sự xảy đến, khiến cho họ phải chịu nhiều sự khổ đau:
- Thứ nhất, phải làm ra tiền bạc,
thực phẩm, áo quần, nhà cửa, tài sản, sự nghiệp. Những sự sống này, khiến cho
con người phải lo toan rất nhiều, nhiều khi thiếu trước hụt sau, sợ đói, sợ
bịnh đau, không tiền, không thực phẩm là rất khổ, nói chung chỉ có những nghề
nghiệp làm ra để sống, nhưng nghề nghiệp làm ăn lại thất bại, khi thất bại là
khổ, còn nếu làm ăn được thì phải trăm muôn vạn kế tính toán lo toan nhiều, khi
còn phải sử dụng mưu kế gian xảo, lừa đảo bằng mọi thủ đoạn, tạo ra biết bao
nhiêu điều ác, nên trong lòng lúc nào cũng bất an, lo sợ nơm nớp tù tội bị phạt
vạ, và còn lo sợ trộm cướp nữa.
- Thứ hai, là khổ sở khi mình
nghèo sợ người ta khi dễ.
- Thứ ba, khi mình có của cải,
cuộc sống thoải mái hơn, thì lo sợ người khác ganh tỵ tìm mọi cách nói xấu hoặc
thù ghét và hãm hại.
- Thứ tư, lo sợ tai nạn, bịnh
tật, mà tiền mất nhưng tật phải mang.
- Thứ năm, con cái hư phá tán tài
sản.
- Thứ sáu, vợ hoặc chồng sống
không chung thủy, làm tiêu tan sản nghiệp, đó là nỗi khổ đau của mọi người, mà
người nào cũng không tránh khỏi.
- Thứ bảy, những người thân có
tai nạn hoặc bịnh tật.
- Thứ tám, trong nhà anh em tranh
giành của cải tài sản, kiện thưa.
- Thứ chín, khổ vì người khác nói
trái ý, nghịch lòng.
- Thứ mười, khổ vì không đạt được
ước nguyện.
Cho nên, đời sống tại gia rất là
phức tạp và khổ sở. Có một nhà thơ đã nói đến sự khổ đau của con người, từ khi
bắt đầu sinh ra:
“Lúc sanh ra miệng đã khóc chóe
Trần có vui sao chẳng cười khì”.
Nếu là một người có nhiều suy tư
về đời sống thì chúng ta thấy rất rõ ràng cuộc sống con người là biển khổ, khổ
từ lúc sinh ra cho đến khi chết.
Trưởng lão Thích Thông Lạc
THM trích ghi