Có người lầm cho rằng vật chất càng nhiều cuộc sống tất phải hạnh phúc. Điều này không đúng. Vật chất càng nhiều sẽ càng nhiều bon chen, đua đòi; con người sinh tâm hung ác giết hại lẫn nhau; ai ai cũng nghĩ đến danh lợi. Người ta sẽ không còn nghĩ đến đạo đức. Khi đã vì danh lợi, lúc ấy con người chẳng khác một con thú hung dữ.

Trên hành tinh này, hôm nay đạo đức đang xuống dốc không riêng ở một nước nào. Nạn khủng bố giết người vô tội vạ, những hành động man rợ, tham nhũng, sa đọa, phi nhân tính ngày càng gia tăng.

Muốn chấm dứt khổ đau của con người trên hành tinh này, thì không có phương cách nào tốt hơn là xây dựng nền đạo đức nhân bản - nhân quả tự mỗi người sống không làm khổ mình, khổ người.

Trưởng lão Thích Thông Lạc
THM trích ghi
Thân tứ đại là khối bất tịnh, hôi thối, uế trược có gì là tốt đẹp, quý báu đâu mà ta phải xem nó là quan trọng. Hằng ngày nó phải luôn luôn tiếp nhận tứ đại bất tịnh bên ngoài (thực phẩm). Nuốt vào những thứ bất tịnh hôi thối ấy, có hạnh phúc gì đâu mà chúng ta ưa thích.

Những người ưa thích thực phẩm, ưa thích ăn uống là những người ngu si, vô minh; đồ ăn uống là bất tịnh uế trược mà cứ mãi mê tham ăn thì thật là đáng trách đáng chê. Cuộc sống của họ chẳng có ý nghĩa gì, chỉ ăn, ngủ, đi cầu và dâm dục, toàn là sống trong sự nhiễm ô bất tịnh. Đời sống của họ, họ đang chui vào một cái bao đựng đầy đồ hôi thối. Thật là đáng thương vậy!

Cuộc sống con người chỉ còn biết bon chen chà đạp, tranh đấu giết hại lẫn nhau bằng cách này hoặc cách khác cũng chỉ vì ăn, ngủ, đi cầu và dâm dục… Thật là vô vị không có nghĩa lý gì cả.

Sống chỉ có thích những điều tệ hại, bất tịnh như vậy, mà mọi người hãnh diện một cách hả hê khi đạt được mục đích ấy. Đạt được mục đích để làm gì? Để mà khổ đau. Phải không các bạn?

Trưởng lão Thích Thông Lạc
THM trích ghi

Thần chết tưởng như luôn chờ đến khi ta sống hết cuộc đời dài mới tới đón lại bất thình lình lao vào giữa cuộc sống của ta mà không một lời báo trước.

Dù biết vậy, nhưng cuộc đời con người vẫn luôn xoay quanh những tranh cãi, hơn thua, những tư lợi tầm thường. Khi chết đi ai cũng chỉ còn bộ xương trắng, còn nắm tro tàn, vậy cớ sao lúc sống lại cứ phải cố tranh giành?
Nếu chúng ta là những người đã từng lăn lộn trong cuộc sống bảy nổi ba chìm thì làm sao không thấy đời là khổ, thật sự đời người sanh ra là khổ, khổ đủ mọi mặt và khi nghĩ như vậy chúng ta rất ngao ngán và chán chường cho kiếp sống của con người.

Con người sanh ra để làm gì? Kết cuộc rồi cũng chẳng có gì, chỉ là một trò ảo ảnh.

Nếu xét đi xét lại hết một kiếp người chỉ có bon chen vật lộn với cái ăn, cái mặc, cái ở cuối cùng cũng chẳng có nghĩa lý gì cả, lớp người trước chết mất đi, lớp người sau thừa kế cũng như vậy và cứ như vậy mãi mãi muôn đời muôn kiếp vô vị chẳng có nghĩa lý gì!

Ôi thật là một trò huyễn mộng của kiếp người.

Trưởng lão Thích Thông Lạc
Các con có biết chăng? Thân nhân quả là thân đau khổ, là ổ bệnh tật, con người mang thân này như mang gông cùm có gì là hạnh phúc, đi đâu mang theo cái thân này như mang cả núi thái sơn.

Người phàm phu xem thân là quý trọng luôn luôn trau dồi làm cho thân đẹp đẽ, ăn uống bồi bổ nuôi dưỡng thân, khiến thân mập mạnh khỏe, do thân mập mạnh khỏe sanh ra nhiều dục, do nhiều dục mà tạo ra nhiều ác pháp, do nhiều ác pháp nên con người phải chịu muôn vàn khổ đau, cho nên nguyên nhân là vì quá quý trọng thân nên đã tạo cho tâm hồn khổ đau. Mỗi lần có bệnh đau là sợ thân chết, do sợ thân chết nên tâm buồn bã, lo lắng, khổ đau.

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Sự sinh tồn của loài người và muôn vật đều phải theo quy luật âm dương của nhân quả, nhưng chúng ta đừng quá lạm dụng tâm sắc dục để biến mình thành tên nô lệ cho nhục dục. Bởi nhục dục là nơi thấp hèn, khiến cho người ta dễ sa đọa vào loài cầm thú, nó là nơi bài tiết những vật cặn bã, bất tịnh, bẩn thỉu, ô trược trong thân, nó là nơi sinh ra muôn thứ bệnh tật khổ đau và tai họa hoạn nạn.

Chúng ta là con người cần phải có trí tuệ thông suốt đường đi lối về sinh tử của nhân quả. Chính sắc dục là đường đi của sinh tử luân hồi nên nó có một sức lôi cuốn tâm dục con người rất mạnh, vì thế chúng ta cần phải đề cao cảnh giác, đừng bao giờ để chúng lôi cuốn chúng ta vào con đường tội lỗi đó. Vì thế, chúng ta phải hoàn toàn làm chủ tình nhục dục trong mọi thời gian.

Tình yêu thương giữa trai và gái vô tư, hồn nhiên, trong trắng rất đẹp, nhưng nếu bước thêm một bước nữa là tình nhục dục. Tình dục là miếng mồi của nhân quả để nhử bắt con người vào lưới nghiệp tái sinh luân hồi. Cho nên muốn thoát ra lưới rập nghiệp lực của tình nhục dục thì chúng ta phải đầy đủ nghị lực dứt khoát tránh xa sắc dục và nhất là phải thấy như thật con đường sắc dục là con đường làm nô lệ suốt vô lượng kiếp. Quý vị nên nhớ lời dạy này.

Trưởng lão Thích Thông Lạc
Ai biết chết ngày mai?
Không ai điều đình được, 
Với đại quân thần chết, 

Cuộc đời vô thường, mạng sống mong manh, cái chết có thể xảy đến với chúng ta bất cứ lúc nào mà không hề hẹn trước. Ngạn ngữ Tây Tạng nói: “Ngày mai hay đời sau, cái gì tới trước, ta không thể biết”.

Có lần Đức Phật hỏi các vị đệ tử, mạng sống con người tồn tại trong bao lâu, người thì nói trong vài ngày, người thì nói trong khoảng một bữa ăn, Đức Phật bảo như vậy là chưa hiểu đạo, chỉ có người nói trong một hơi thở được Ngài khen ngợi, cho là đã hiểu đạo.

Mạng sống ngắn ngủi bằng một hơi thở và mong manh như chính hơi thở là một cái nhìn sâu sắc và tinh tế về cuộc đời, tạo cho con người một cảm thức rũ bỏ mọi tham lam chất chứa, tranh giành thiệt hơn ở đời.

THM sưu tầm
Con người ta đã vin vào dục vọng để thoát khỏi nỗi cô đơn và sự vô nghĩa của tồn tại, nhưng vì không kiểm soát nổi dục vọng nên nó lại đưa con người đi từ đau khổ này đến phiền não khác.

Nghĩa là dục vọng là cái đến sau sự nhàm chán và vô nghĩa nhất thời, để rồi chính nó lại đưa mỗi chúng ta vào vòng phiền não không có điểm dừng. Thậm chí dục vọng này lại nhằm bao che và tháo gỡ cho một dục vọng khác, kết quả là dục vọng không biết đủ, dẫn đến lòng tham vô đáy, dẫn đến những kết cục không bình an mà chẳng ai mong muốn.

Dục vọng còn đó là mầm mống của tội ác và nó khiến cho nỗi sợ hãi nhân lên gấp đôi: Sợ bị mất và sợ bị trừng phạt. Nhưng dù nói gì, chúng ta phải cam chịu sự thật phũ phàng này. Đúng là ta có được cuộc sống ta lại sợ cái chết, ta có hạnh phúc để sợ khổ đau, ta có giàu sang để sợ sự nghèo đói...

Cuộc đời con người sinh ra phải chăng để giành lấy cái này, đạt lấy cái kia? Để rồi trên lưng ngoài gánh nặng của tuổi tác, còn chất chồng thêm tài sản, danh vọng và ham thích. Để rồi lưng ngày một còng, và đầu óc ngày càng mụ mị?

Phàm là thân xác thịt, ai tránh được sinh, lão, bệnh, tử? Lúc mất đi còn lại được gì? Vinh hoa đó, tiền tài kia, rồi cũng chẳng đem theo được, hà cớ gì lại phải bôn ba, tranh giành?

Lúc ta được sinh ra, chưa chắc theo ý muốn, bởi ta có nói được câu nào? Rồi lúc ra đi, cũng chẳng thể cho ai biết cảm giác ra sao. Tự hỏi, một đời người chỉ vậy thôi sao?

Một ngọn lửa đem đi tất cả: một thân hình sau mấy chục năm, bôn ba khắp chốn cầu sinh, tranh giành danh, lợi trên đời, nếm trải thất tình lục dục. Cho đến cuối cùng, chỉ còn nắm tro tàn đi vào dĩ vãng.

THM sưu tầm
Tất cả mọi người ở trong thế gian này hình như là đương bị lăn trôi theo dòng nước thế gian, đương lầm lì khắc khoải hết ngày này sang ngày khác, hết năm này qua năm khác, từ bé thơ đến trưởng thành, và dần dần đến lúc tuổi già sức kiệt, gối mỏi mắt lòa, bước lần vào chốn yên giấc ngàn thu là cuối con đường của kiếp sống.

Thật vậy, tất cả mọi người đều như thế, dù là cùng đinh khố rách, dù là văn nhân thi sĩ, dù là thông thái bác học, dù là anh hùng hảo hán, dù là khanh tướng quân vương, tất cả đều phải qua một nẻo đường đi đến chết.

Chỉ nói cái cảnh trạng sinh sống nhộn nhịp của cuộc đời nghe ra có vẻ thích thú hấp dẫn. Nhưng nhắc đến cái cảnh trạng chết mất, ngày cuối cùng của kiếp sống thì cảm thấy buồn ghê, chán ngán.

Vả lại, dù trải qua trăm tuổi đi nữa, rồi thì ai ai cũng có ngày phải chết phải thôi. Tấm thân con người từ thơ ấu đến trưởng thành, dù vóc dáng khôi ngô, hào hoa tuấn tú, hay dù tật nguyền yếu đuối hèn hạ ngây ngô gì gì rồi cũng đến ngày phải chôn vùi vào lòng đất như nhau, rồi cũng thịt nát xương tan, thổ lai huờn thổ như nhau.

Nếu chúng ta nhận xét giá trị đời người qua những khía cạnh tổng quát và đơn giản như trên, thì té ra đời người chỉ là một tấn trò vô vị vô nghĩa.

Vậy con người và con vật được sinh ra giữa thế gian này để mà làm gì?

THM sưu tầm