Chúng ta ai cũng ham sống, sợ
chết, lẽ đâu lại cướp mạng sống của loài vật? Thử hỏi chúng ta tự đặt mình vào
hoàn cảnh con vật xem chúng ta có còn lòng dạ nào giết hại chúng không? Đừng
mượn câu: Vật dưỡng nhân mà cho rằng trời sanh ra con vật để cho mình giết nó
mà ăn thịt. Vậy nếu vào rừng mình bị cọp ăn thì có phải ta là Nhơn dưỡng vật
không? Chớ có lý luận kiểu tham ăn (thịt chúng sanh) mà tạo cho đôi tay luôn
vấy máu và tâm hồn hung ác. Hãy quán sát và so sánh: Chúng sanh giãy giụa trên
thớt, dưới dao, chúng ta lăn lộn trong cơn bệnh ngặt nghèo, cơ thể rã rời, đau
nhức. Niềm đau, nỗi khổ của ta và muôn loài cũng giống nhau không khác!
Muốn không sát sanh, chúng ta hãy
chế ngự và khắc phục tâm mình, đừng chạy theo sự ăn ngon của khẩu nghiệp mà tạo
tội lỗi, máu đổ thịt rơi như núi, như biển. Hãy quán chiếu nỗi khổ của chúng
sanh cũng là nỗi khổ của mình để tránh sát sanh. Người tu còn phải quán chiếu
ăn thịt chúng sanh như ăn thịt con mình, hay cha mẹ tiền kiếp của mình. Sát
sanh là cái nhân của bệnh tật, khổ đau, hoạn nạn. Nợ máu xương phải đền bù bằng
máu xương, dù trốn đi đâu cũng không khỏi.
Trưởng lão Thích Thông Lạc
THM trích ghi