Chen chúc sống trong những môi
trường nhân tạo, được gọi là những thành phố, hay là những “sở thú con người”,
mượn chữ của một nhà động vật học lỗi lạc Desmond Morris; người ta mất thiên
nhiên, ánh sáng là của đèn điện, bóng râm là của những nhà cao; trời xanh, mây
trắng, gió trăng dần mất hết, cây xanh chỉ còn mọc dọc lề đường, hay xếp hàng
trong công viên, cỏ chỉ còn là những mảng cắt xén trang trí; họa hoằn mới may
mắn gặp lại vết tích thiên nhiên.
Người ta mất dần ký ức, quên dần
thiên nhiên. Có lẽ chỉ đến khi cái lạnh – một tác động vật lý có khả năng vượt
mọi không gian, buông xuống thành phố, tuyết ngập mọi lối đi, con người mới
thấy đám đông thôi không còn đông nữa, âm thanh náo động chỉ là những âm thanh
náo động; lúc ấy nó bị xô về, phải chạm mặt với cô đơn vẫn lẩn trốn, (có gì làm
con người cô đơn hơn cái lạnh?), và cồn cào muốn trở về. Như con thú hoang muốn
về rừng xanh xưa, nhưng chiều nay chỉ quay về đến cái chuồng vuông vức, tuy đẹp
đẽ, nhưng cô đơn, đầy tẻ nhạt, không còn thiên nhiên như của tổ tiên của nó.
Sau một ngày vất vả săn mồi trong
những toà nhà cột thép, tường kính, nó tìm thấy miếng ăn không bên bờ suối,
nhưng trong tủ lạnh, và nước uống, không ở dòng chảy giữa cỏ cây, hay mênh mông
hồ lấp lánh sóng, hay in bóng hoa mây từ vòm cao, nhưng trong vòi tuôn, hay bất
động trong chai đóng, dán nhãn đẹp đẽ.
Mệt mỏi với chen chúc, áp lực
căng thẳng, chúng ta thường ta thán rằng thành phố chẳng khác gì một khu rừng
rậm bêtông. Rừng rậm bêtông là sang trọng hoa mỹ quá, mà phải nói rằng đô thị là
những “vườn thú người” đúng nghĩa. Vì con người đô thị hành xử với nhau giống
những con thú bị nhốt trong cũi hơn là loài thú trong điều kiện tự nhiên hoang
dã.
THM sưu tầm