Mục đích cuộc đời ta là gì?

Câu hỏi nghe chừng quá đơn giản nhưng thật sự không dễ trả lời. Quan sát thế giới nhân sinh quan, chúng ta dễ dàng nhận thấy một điều rất phổ biến trong cuộc sống này: mục đích con người ta là kiếm tiền. Kiếm thật nhiều tiền với những lý do nghe chừng rất hợp lý: để nuôi bản thân, để làm giàu, để giúp đỡ gia đình, để thỏa mãn nhu cầu vật chất và nhu cầu hưởng thụ...

Với mục đích như vậy, con người ta luôn hoạt động như một cỗ máy: nhỏ thì cố gắng học hành, nghe lời ông bà ba mẹ thầy cô, lớn lên lại tiếp tục dùi mài "kinh sử" để thi vào trường đại học với một ngành học mà theo xu thế xã hội sau này sẽ dễ kiếm việc làm và lương cao, an nhàn... Hầu như vắng bóng thấy chọn học là vì niềm đam mê nào đó. Và rồi sau đó đi làm, lại tiếp tục cặm cụi "làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm" cốt cũng để kiếm thật nhiều tiền hơn. Và trong vòng xoáy đó, họ nhận thấy muốn có nhiều tiền phải có chức vụ, hoặc đứng trên người khác. Họ tìm đủ mọi cách để cố leo lên được cái ghế mà theo họ "Người trong e sợ, người ngoài chắp tay".

Hệ quả tâm họ luôn bất an. Lúc nào cũng quanh đi quẩn lại: "tiền... tiền... quyền....tiền". Khi không thỏa mãn được mục đích, họ sinh ra oán trách cuộc đời bất công, oán trách người khác nhẫn tâm. Thấy người có quyền họ muốn kết thân và hãnh diện khi được đứng kề bên. Thấy người có tiền họ vị nể và tôn sùng. Thế giới truyền thông cũng cổ súy cho tư tưởng lấy đồng tiền làm thước đo con người theo kiểu: "Đừng tự hào nghèo mà học giỏi, hãy tự hỏi học giỏi sao mà vẫn nghèo". Rồi ngẫm mà xem: mọi xích mích giữa con người với nhau cũng đều xuất phát liên quan đến tiền và quyền.

Vậy phải chăng tiền đã làm cho con người ta đau khổ? Đã vậy sao lại chọn nó làm mục đích cuộc đời. Có lẽ họ nghĩ rằng tiền sẽ đem lại hạnh phúc.

THM sưu tầm