Câu hỏi của tôi – cái câu hỏi mà
vào tuổi năm mươi đã dẫn tôi đến ý định tự sát – là câu hỏi đơn giản nhất, nằm
sâu trong tâm thức từng người, từ đứa trẻ đần độn đến ông già hiền minh nhất,
là câu hỏi mà không có nó thì không thể có cuộc sống, như tôi đã nghiệm chứng.
Câu hỏi đó là thế này: “Sẽ có cái gì từ cái mà tôi làm hôm nay và ngày mai, -
sẽ có cái gì từ toàn bộ cuộc đời tôi?”.
Được diễn đạt một cách khác, câu
hỏi sẽ là thế này: “Tôi sống để làm gì, mong muốn một cái gì đó để làm gì, làm
một cái gì đó để làm gì?”. Còn có thể diễn đạt câu hỏi ấy như thế này nữa:
“Trong cuộc sống của tôi liệu có một ý nghĩa nào, mà cái chết không thể tránh
khỏi và đang chờ tôi không tiêu diệt được?”.
Đấy, đối với vẻn vẹn một câu hỏi
ấy, được diễn đạt khác nhau, tôi tìm kiếm giải đáp trong toàn bộ tri thức của
loài người. Và tôi nhận ra rằng trong quan hệ với câu hỏi ấy tất cả các tri
thức của con người tựa hồ phân chia thành hai bán quyển, mà ở hai đầu đối lập
của chúng có hai cực: một cực phủ định, cực khác khẳng định; nhưng ở cả cực này
lẫn cực kia đều không có những giải đáp cho những câu hỏi của cuộc sống.
Trích: Tự bạch của Lev Tolstoi
THM sưu tầm
THM sưu tầm